CTCP VNG (VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với khoản lỗ hơn 291 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 3 trong năm 2023 của kỳ lân công nghệ Việt, do ông Lê Hồng Minh làm Tổng giám đốc.

Lũy kế cả năm 2023, VNG lỗ hơn 756 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 1.533 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là năm thứ 3 liên tiếp VNG thua lỗ. VNG ghi nhận thua lỗ nặng từ đầu tư liên kết, trong đó có khoản lỗ lũy kế 510 tỷ đồng tại đơn vị hỗ trợ mua hàng nước ngoài Tiki Global.

Trong năm 2023, VNG ghi nhận doanh thu tăng nhẹ khoảng 10% lên 8.607 tỷ đồng. VNG vẫn có nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ trò chơi trực tuyến, với khoảng 75% trong tổng doanh thu.

VNG được xem là kỳ lân công nghệ của Việt Nam với quy mô vốn hóa có lúc lên ngưỡng một vài tỷ USD. Doanh nghiệp này có mạng xã hội Zalo nổi tiếng ở thị trường trong nước và đang chi mạnh tiếp cho nền tảng thanh toán di động ZaloPay.

Tới cuối 2023, VNG tăng sở hữu tại Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) từ mức gần 70% hồi đầu năm lên hơn 72,65%, tương ứng gần 3.365 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa hoàn thành dự án xây dựng VNG Data Center.

Dù là ông lớn công nghệ, VNG vẫn đang đối mặt nhiều thách thức trước tham vọng bứt phá. Doanh nghiệp này không hoàn thành mục tiêu giảm lỗ ròng về 378 tỷ đồng trong năm 2023, không thực hiện được kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ để có thể hút vốn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Lê Hồng Minh – CEO VNZ.

Cơ hội ra biển lớn chưa chín muồi

Trong năm 2023, VNG cũng ghi nhận một điều đáng tiếc là chưa thể niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ.

Trước đó, VNG đã đặt mục tiêu huy động khoảng 150 triệu USD trong năm 2023 thông qua đợt phát hành ra công chúng (IPO) tại Mỹ. VNG đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2023. Cổ đông chi phối VNG dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Tuy nhiên, kỳ lân công nghệ Việt đã chính thức rút hồ sơ IPO tại Mỹ.

Doanh nghiệp của ông Lê Hồng Minh quyết định sẽ không tiến hành IPO và cũng không cung cấp bất kỳ khoảng thời gian nào sẽ tiến hành lại quá trình IPO hay lý do cho việc rút hồ sơ nói trên.

Thị trường chứng khoán thế giới gần đây không nhiều mặn mà với các đợt IPO, kể cả của các hãng công nghệ truyền thống, trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tập đoàn tài chính lớn rút về thế phòng thủ. Dòng tiền gần đây chỉ đổ vào các hãng có phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trước đó, hãng xe điện VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật cũng đã phải hủy bỏ phương án IPO và chuyển sang niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq của Mỹ hồi tháng 8/2023 thông qua hình thức hợp nhất với công ty (SPAC) SPAC Black Spade Acquisition Co.

Ông Lê Hồng Minh sau đó chia sẻ rằng các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng với các đợt IPO của các công ty công nghệ ở châu Á.

Theo một đánh giá mới đây của Tech in Asia, tốc độ tăng trưởng của VNG chậm lại trong những năm gần đây. Hoạt động kinh doanh công nghệ, tài chính (fintech) của công ty đã trở thành rào cản lớn trong việc tăng trưởng lợi nhuận.

Niêm yết không thành công trên TTCK Mỹ, nhưng các thông tin gửi lên SEC đã hé lộ cơ cấu cổ đông tại kỳ lân công nghệ Việt. Theo đó, 2 ông lớn công nghệ Tencent và Ant Group của Trung Quốc nắm cổ phần áp đảo tại VNG. Tencent, Ant Group và quỹ đầu tư GIC của Singapore nắm giữ số lượng cổ phần áp đảo tại VNG Limited. Trong khi VNG Limited sở hữu 49% tại tại “kỳ lân” VNG Corporation của Việt Nam.

VNG Corporation trong khi đó là kỳ lân công nghệ của Việt Nam, đang là chủ sở hữu ứng dụng Zalo. VNG có nhiều dự án lớn và đang ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến. ZaloPay được xem là một trong những ví điện tử số hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VNG có trung tâm dữ liệu VNG Data Center…

Theo hồ sơ gửi lên SEC, VNG Limited có 2 cổ đông Trung Quốc là Tencent (của tỷ phú Mã Hóa Đằng) và Ant Group (của tỷ phú Jack Ma – Mã Vân).

Cụ thể, theo mẫu F-1 gửi lên SEC, VNG Limited có 2 loại cổ phiếu lưu hành, gồm: cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Trong đó, 1 cổ phiếu loại B tương ứng với 10 quyền biểu quyết, trong khi 1 cổ phiếu loại A chỉ tương ứng với 1 quyền biểu quyết.

Đây là 2 loại cổ phiếu cho 2 nhóm cổ đông riêng biệt: các cổ đông nước ngoài và ban lãnh đạo của VNG.

Hai cổ đông sáng lập của VNG và nằm trong ban lãnh đạo là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải sở hữu lần lượt 12,6 và 1,68 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết tại VNG Limited là 45% và 6%.

Trong khi đó, Tencent là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A (tương ứng quyền biểu quyết là 23%); Ant Group sở hữu hơn 7,77 triệu cổ phiếu loại A (tương đương 2,8% quyền biểu quyết).

Bên cạnh đó, GIC sở hữu gần 15,3 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited. Seletar Invesments sở hữu hơn 9,4 triệu cổ phiếu loại A, tương đương quyền biểu quyết là 3,4%.

Như vậy, số lượng cổ phiếu mà 2 cổ đông Trung Quốc nắm giữ là áp đảo, với tổng cộng gần 72,8 triệu đơn vị. Còn tính cả 4 cổ đông ngoại, nhóm này nắm giữ hơn 97,6 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited.

Ở chiều ngược lại, 2 cổ đông người Việt là Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải nắm giữ hơn 14,3 triệu cổ phiếu loại B của VNG Limited.

Tuy nhiên, theo quy định, cổ phiếu loại B có tỷ lệ quyết định gấp 10 lần cổ phiếu loại A. Do vậy, ông Minh và ông Khải đang nắm giữ tỷ lệ biểu quyết áp đảo, ở mức 51%, cho dù nắm giữ số lượng cổ phiếu ít hơn nhiều.

Những kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam được quốc tế để mắt, gọi tên“Kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam. Đây là dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Share.
Exit mobile version