70 năm đã trôi qua kể từ những tháng ngày lịch sử ấy, nhưng câu chuyện cụ Trịnh Đình Bầm (SN 1928) tháo bàn thờ gia tiên để lấy gỗ tấm làm xe cút kít chở lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn là niềm tự hào của người dân xã Định Liên, huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Cụ Bầm qua đời năm 1994. Con trai cụ, ông Trịnh Đình Tân (SN 1961) vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người cha bình dị.

Ông Trịnh Đình Tân, con trai cụ Bầm. Ảnh: Lê Dương

Khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là địa bàn xa trận địa, nhưng được xác định là hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.

Lúc bấy giờ, người đàn ông trẻ tuổi Trịnh Đình Bầm cũng như bao thanh niên trai tráng khác sẵn sàng lên đường phục vụ cho chiến trường. Ông Tân tự hào kể về cha: “Thời điểm bố lên đường tải lương, mẹ tôi mới sinh con đầu lòng. Bố mẹ rất nghèo. Bố tôi cứ băn khoăn bởi gia đình nghèo không có xe đạp để thồ. Nếu dùng quang gánh thì hàng được ít, lại mất sức, không hiệu quả. Suốt nhiều đêm liền ông cứ trằn trọc suy nghĩ. Rồi ông hình dung hình ảnh một chiếc xe vừa đi vừa đẩy.

Nghĩ là làm, bố tôi bắt tay vào việc đóng chiếc xe cút kít bằng gỗ. Ông tìm trong nhà và gom lại tất cả những mảnh gỗ có thể sử dụng được. Sau mấy ngày kỳ công, hình hài chiếc xe đã hình thành nhưng còn thiếu một bộ phận quan trọng, đó là bánh xe. Tìm mãi trong nhà không còn mảnh gỗ nào, ông nhìn lên bàn thờ tổ tiên thì thấy tấm gỗ bàn thờ có thể dùng được, ý định tháo bàn thờ làm bánh xe lóe lên trong đầu ông”.

Vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày nào ông Tân cũng thắp hương cho bố. Ảnh: Lê Dương

“Lúc đó bố tôi mạnh dạn xin ông bà nội được tháo bàn thờ để làm xe phục vụ kháng chiến, mọi người trong gia đình cũng băn khoăn. Lời xin của ông khiến cả nhà phải suy nghĩ. Sau đó, với tâm niệm tất cả phục vụ kháng chiến, cả nhà đã đồng ý. Bố tôi thắp thương cầu xin gia tiên phù hộ, rồi gỡ bàn thờ xuống để đóng vào phần thiếu của chiếc xe”, ông Tân kể.

Chiếc xe cút kít được cụ Bầm sáng chế theo kiểu chữ A, có chiều dài hơn 2m, càng làm bằng gỗ, có 2 chân chống bằng tre. Bánh xe được ghép từ 3 mảnh gỗ khác nhau, trong đó có một mảnh được sơn son thếp vàng với hoa văn rõ nét, đó chính là một phần bàn thờ gia tiên của gia đình.

Theo các tài liệu được lưu giữ, với chiếc xe cút kít tự chế, người đàn ông trẻ tuổi Trịnh Đình Bầm đã tham gia tải lương trên đoạn đường từ kho lương Sánh – Lược (Thọ Xuân) lên Phố Cống – Trạm Luồng (Ngọc Lặc). Mỗi chuyến xe cút kít tải từ 100 đến gần 300kg lương thực.

Chiếc xe cút kít huyền thoại được trưng bày tại bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: CTV

Cứ 3 ngày một chuyến trên quãng đường dài hơn 20km, ròng rã suốt những tháng đầu năm 1954, chiếc xe cùng với chủ nhân đã vận chuyển khoảng 12.000kg lương thực. Đây chính là khâu trung chuyển lương thực ở hậu phương, lương thực được nhân dân đóng góp vào kho lương chung của xã, sau đó đưa đến kho lương của tỉnh.

Từ kho lương của Thanh Hóa, lương thực được vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Với thành tích trên, cụ Bầm đã được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen.

Chiếc xe cút kít đang được trưng bày tại bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Niềm tự hào của con cháu

Ông Tân kể, cha ông có sức khỏe phi thường, lại chăm chỉ làm lụng nên gia đình cũng đủ ăn.

Đoàn dân công của Thanh Hóa chở lương thực, vũ khí cho Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

“Ông bà nội tôi nghèo mà rất thương người. Trong lần chạy loạn, có một người con gái ở tỉnh Nam Định chạy vào Thanh Hóa, không có chỗ ăn ở, ông bà đã đưa về nhà mình nuôi. Đó chính là mẹ của chúng tôi sau này”, ông Tân chia sẻ.

Cũng theo ông Tân, bố mẹ ông sinh được 8 người con (4 trai, 4 gái). Cuộc sống khó khăn, nhưng khi trong xã có một gia đình sinh đôi không có điều kiện chăm sóc, bố mẹ ông đã nhận một trẻ về nhà nuôi nấng. Người con đó (SN 1982) đến nay đã có gia đình riêng.

Chị Nhàn tự hào được làm cháu nội của cụ Bầm. Ảnh: Lê Dương

“Chúng tôi rất tự hào vì có người cha đã đóng góp công sức cho nhà nước lớn như vậy, dám hy sinh cả đồ đạc tâm linh nhất để phục vụ cho tuyền tuyến”, ông Tân chia sẻ.

Chị Trịnh Thị Nhàn (SN 1984, cháu nội cụ Bầm), công tác tại UBND xã Yên Thái, huyện Yên Định cho biết, là thế hệ thứ 3, mỗi lần thăm bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở Hà Nội hay bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nhìn hình ảnh chiếc xe cút kít, chị lại có cảm giác bồi hồi.

“Năm 2022, tôi đi học lớp chính trị, trong bài giảng có trình chiếu tư liệu về những đóng góp của nhân dân Thanh Hóa trong chiến thắng Điện Biên Phủ có nói đến chiếc xe cút kít, tôi đã khoe với giáo viên và các bạn ‘ông nội tôi đấy'”, chị Nhàn xúc động kể.

Vị tướng tài ba chỉ huy trận sân bay Cát Bi thời Pháp có 1 không 2

Trận tập kích sân bay Cát Bi chỉ trước chiến dịch Điện Biên Phủ ít ngày là chiến công chói lọi của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngôi đền thiêng gần 2000 năm thờ nữ tướng ở xứ Thanh

Đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là di tích quốc gia đặc biệt, và là ngôi đền thiêng của người xứ Thanh.


Share.
Exit mobile version