Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trên phim trường. 

– VTV đang chiếu lại phim ‘Đường lên Điện Biên’ được thực hiện từ 10 năm trước, cảm xúc của anh thế nào khi tác phẩm được lựa chọn để phát sóng nhân 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ?

Đường lên Điện Biên là phim truyện truyền hình kiểu lịch sử. Nó không mang tính thời sự mùa vụ nên phát sóng khi nào cũng được. Tuy nhiên, phát đi phát lại thì cũng nhàm. Tôi và nhiều người đã chờ đợi một bộ phim truyện mới về Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm mà không thấy.

– Trong khi mọi lĩnh vực, từ truyền hình tới âm nhạc, thậm chí điện ảnh tài liệu đều có sản phẩm hoành tráng để đánh dấu mốc 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thì điện ảnh lại im lìm và chỉ phát lại các bộ phim được làm từ 10-20 năm trước, anh có buồn vì điều này?

Tôi là người làm nghề chuyên nghiệp, buồn vui vì một bộ phim giờ cũng khó lắm. Điện ảnh và truyền hình gặp trở ngại với những đề tài lớn do mức chi phí sản xuất tốn kém. Kinh tế quốc gia cũng đang nhiều khó khăn. Tôi nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh và truyền hình muốn tập trung về đề tài này cũng khó vì nguồn đầu tư không dễ. Địa phương nào muốn đổ tiền vào cũng phải chắc chắn về chất lượng phim làm ra.

Bạn thấy đấy, khá nhiều phim truyền hình lịch sử đầu tư lớn mà vẫn treo đó chưa phát sóng được. Việc phát sóng hay chiếu lại các phim cũ về Chiến dịch Điện Biên Phủ từng có ít nhiều thành công là một cách mà không nhà quản lý nào mong muốn cả.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng các phim lịch sử của ta ‘quá ít và không đâu vào đâu’.

– Chúng ta có quá ít phim về đề tài lịch sử vì nhiều lý do. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động thế giới xứng đáng để có không chỉ một phim truyền hình ‘Đường lên Điện Biên’ hay một phim điện ảnh ‘Ký ức Điện Biên’, mà phải có hàng chục tác phẩm khai thác ở nhiều góc cạnh. Anh có tiếc khi chúng ta chưa đủ tiền, chưa đủ lực làm ra nhiều bộ phim lịch sử nhằm vun đắp niềm tự hào dân tộc?

Điều này phụ thuộc vào định hướng và chủ trương của các cơ quan quản lý. Tôi hay các đồng nghiệp khác có buồn hay tiếc nuối thì đâu quan trọng gì. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi nếu kinh tế quốc gia sau mấy năm Covid-19 khởi sắc trở lại. Điện Biên Phủ vẫn còn đó, trong lịch sử, trong các tác phẩm văn học, nên làm khi nào cũng được.

– Mới đây anh có một phát ngôn khiến nhiều người giật mình: “Nay trẻ thuộc sử Tàu hơn sử Việt, nhại lối sống và thần tượng sao Mỹ, sao Hàn cũng bởi phim ảnh của họ tràn lan… Đành là cuộc sống thì luôn đổi thay, nhưng dân tộc nào cũng phải giữ gốc’. Phải chăng một trong những nguyên nhân khiến người trẻ thờ ơ sử Việt chính là bởi có quá ít phim lịch sử hấp dẫn để họ xem và tự hào?

Đúng là quá ít bạn ạ! Đã từng có những dự án cho lịch sử, cho phim trường lịch sử, và giờ vẫn chẳng đâu vào đâu. Cơ bản là do tư duy quản lý dự án theo nhiệm kỳ và “cha chung không ai khóc”. Chúng ta nên kết hợp phim trường lịch sử với các show trình diễn du lịch và có chính sách đầu tư, quản lý chặt chẽ mới tốt. Việc này rất phức tạp, ngoài tầm chuyên môn nên tôi không bàn sâu.

Diễn viên Hoàng Hải trong phim ‘Đường lên Điện Biên’.

– Lý do anh xây dựng kênh YouTube riêng để chia sẻ các bộ phim lịch sử mình từng đạo diễn cho khán giả xem mà không bật chế độ kiếm tiền? Phim do anh đạo diễn nhưng bản quyền thuộc về hãng phim, anh có nghĩ việc đó sẽ bị tuýt còi? Khi anh làm lại phiên bản 4K của ‘Đường lên Điện Biên’ có phải xin phép đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam?

Kênh YouTube của tôi ra đời sớm, cũng mười mấy năm rồi và chưa bao giờ bật chế độ kiếm tiền. Những phim tôi đưa lên YouTube đều có xác nhận bản quyền. Nhiều phim trong đó là tôi trực tiếp tham gia công tác sản xuất và có ít nhiều đầu tư. Đường lên Điện Biên do VFS sản xuất và VTV giữ bản quyền phát sóng.

Việc phát phim trên mạng nhiều YouTuber làm bao năm nay rồi mà. Tôi muốn làm bản 4K cho chất lượng hình ảnh tốt hơn để khán giả yêu quý bộ phim có thể thưởng thức, nhưng chắc phải chờ dịp khác vì bận quá.

– Diễn viên Mạnh Hưng chia sẻ phim được quay từ 10 năm trước và anh ấy chỉ nhớ làm phim này cực kỳ vất vả, có cảm giác như đi lính thật. Anh là đạo diễn nổi tiếng kỹ tính, ai đã làm phim chiến tranh với anh thì xác định sẽ bị hành xác dữ lắm?

Chúng tôi làm phim thôi mà, và diễn viên làm đúng công việc của họ. Phim chiến tranh không dành cho những kẻ lười biếng, bất kể là diễn viên hay đạo diễn. Thực ra, diễn viên chỉ quay xong một cảnh là họ được nghỉ. Tôi mới là người phải lăn lộn với từng cảnh quay liên tục 15-16 giờ mỗi ngày. Những cảnh phức tạp, khó, nguy hiểm hoặc cháy nổ, tôi thường trực tiếp làm. Làm phim có gì đâu mà hành xác, chỉ là một cuộc chơi.

Mạnh Trường trong phim ‘Đường lên Điện Biên’. 

– Dễ nhận thấy những diễn viên ‘ruột’ như Hoàng Hải, Mạnh Trường… được anh mời tham gia không ít phim lịch sử chiến tranh. Anh chọn họ vì muốn sự an toàn cho các bộ phim của mình?

Diễn viên được mời nhiều là bởi tài năng của họ. Họ đâu chỉ đóng phim cho tôi, mà còn tham gia không ít phim khác nữa mà. Hoàng Hải, Mạnh Trường… ngoài khả năng hóa thân vào vai diễn, họ là những ngôi sao. Có nhiều người không phải là ngôi sao nhưng tôi vẫn hay mời nếu vai đó hợp, bởi ngoài chuyên môn tốt, họ là những người làm nghề tử tế. Tử tế, là một loại giá trị, dù bạn làm bất cứ nghề gì, nhất là diễn viên.

Trích phim ‘Đường lên Điện Biên’ (nguồn: VTV)

Ký ức không quên của diễn viên Huyền Trang khi đóng ‘Đường lên Điện Biên’Trong ký ức của các diễn viên từng tham gia ‘Đường lên Điện Biên’ cách đây 10 năm, đóng phim mà vất vả không khác gì đi lính nhiều tháng trời. Diễn viên Huyền Trang kể tay cô lúc nào cũng bầm tím vì vác đá thật.


Share.
Exit mobile version