LỜI TÒA SOẠN

Những hình thức kỷ luật học sinh như phê bình trước tập thể, phạt đứng dưới cột cờ… đã lỗi thời trong môi trường giáo dục. Những hình phạt này không chỉ khiến cho học sinh cảm thấy mặc cảm, xấu hổ, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược. Thay vào đó, nhiều thầy cô cũng đã có những “hình phạt” đặc biệt, giúp học trò tiến bộ tích cực. Diễn đàn ‘kỷ luật mềm’ tại trường học chia sẻ tới độc giả những câu chuyện như vậy. Bạn đọc có bài xin gửi về Bangiaoduc@vietnamnet, xin cảm ơn!

Tôi là cậu bé có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố bị tai nạn lao động mất khi tôi mới lớp 1. Mẹ gửi tôi cho ông bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc và đi thêm bước nữa.

Vậy là từ khi bố mất, mẹ đi lấy chồng, tôi chỉ có ông bà nội là những người thân duy nhất. Từ ngày mẹ đi bước nữa, có thêm em bé, một năm, chắc số lần tôi gặp mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng cách địa lý cộng với số lần gặp nhau ít ỏi khiến tôi xa mẹ hơn.

Lớn lên bằng tình yêu của ông bà, tôi biết thân biết phận, tự dặn mình phải chăm ngoan và chịu khó để ông bà không khổ. Năm nào, tôi cũng là học sinh giỏi nên ông bà vui lắm.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi tôi lên lớp 5, chứng kiến cảnh em bé mới của mẹ được nâng niu, yêu chiều, được mua đủ thứ đồ đẹp còn tôi vẫn quanh năm sống khổ sở cùng ông bà nên sinh ra uất ức. Đã không ít lần tôi tự hỏi tại sao cùng được mẹ sinh ra, tôi lại thiệt thòi cả về tình cảm và vật chất như thế?

Tôi bắt đầu trở thành cậu bé bướng bỉnh như một cách phản ứng với cuộc đời đầy bất công. Đi học, tôi không làm bài tập, đánh bạn. Về nhà, tôi cũng chẳng chăm chỉ giúp đỡ việc nhà cho ông bà như trước. Hết năm học lớp 5, từ học sinh Giỏi, tôi tụt xuống thành học sinh Trung bình, cá biệt trong mắt thầy cô và các bạn.

Lên lớp 6, tôi càng quậy hơn nữa, tôi sẵn sàng đánh bạn với lý do là “ghét”. Tôi cũng thường xuyên không làm bài tập, cãi thầy cô tới mức bản kiểm điểm tôi viết thường xuyên. Cô giáo gọi phụ huynh lên mãi cũng bất lực.

Hồi ấy, tôi chỉ muốn gây lỗi, nhà trường phạt và đuổi học luôn để đỡ phải đi học. Thế nên, nếu tôi vi phạm nội quy mà nhà trường đình chỉ học đây được xem như là… phần thưởng với tôi chứ không phải bị phạt.

Mọi thứ chỉ thay đổi khi chủ nhiệm lớp chuyển công tác và một cô giáo trẻ được điều về thay. Lúc ấy, tôi từng nghĩ, cô giáo trẻ chủ nhiệm, tôi cũng sẽ quậy cho “banh nóc nhà” thế nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ. Tôi nhớ như in hôm ấy, tôi xé vở của bạn ngồi bên cạnh chỉ bởi vì bạn mách cô việc hôm qua tôi trốn tiết. Thậm chí, tôi còn rủ thêm mấy bạn nữa chặn đường bạn ấy đi học về để đánh tiếp.

Về nhà, thấy con bị đánh bầm dập quá, mẹ bạn ấy lên tận trường đòi gặp cô giáo, yêu cầu nhà trường đình chỉ học đối với tôi. Những tưởng sau lần ấy được nghỉ học luôn không phải tới trường nhưng tôi đã nhầm.

Cô giáo chủ nhiệm không yêu cầu tôi viết kiểm điểm, cũng không mời ông, bà tôi lên làm việc. Cô giao cho tôi phải mang 2 cái cây ở nhà lên trồng trong chiếc chậu cô tự bỏ tiền ra mua, đặt ở hành lang lớp học. Nhiệm vụ của tôi là phải tưới nước mỗi ngày, chăm sóc cho cây xanh tốt.

Ngày nào cũng vậy, tôi sẽ tưới cây khi vừa tới trường và trước khi tan trường về nhà. Chỉ thời gian ngắn, 2 cái cây lớn lên trông thấy, xanh tươi khiến tôi vô cùng thích thú. Bạn cùng lớp còn bảo tôi bị 2 cái cây “tẩy não” vì tôi coi chúng như những người thân thiết thực sự.

Hôm nào nghỉ học, tôi nhớ chúng cồn cào chỉ muốn tới trường để được nhìn thấy, được tưới nước và nói chuyện cùng cây.

2 cái cây được cô giáo tôi đặt ở ngay hành lang cửa lớp, ai đi từ phía nào vào lớp cũng đều thấy chúng trước tiên. Chúng hiện ra trước mắt như những nỗ lực cố gắng của tôi mỗi ngày. Từ khi có 2 cái cây, tôi ngoan ngoãn lạ thường, không còn chống đối thầy cô cũng chẳng còn đánh bạn hay không làm bài tập nữa. 

Cô giáo nói với tôi rằng, tưới cây vào mỗi sáng sớm như một cách giúp tôi nạp năng lượng cho một ngày mới. Khi chăm sóc cây xanh, bản thân tôi cũng được thư giãn. Hình ảnh 2 cái cây lớn lên mỗi ngày phản ánh chính xác công sức của tôi, giống như cuộc đời này, mình bỏ công sức ra thế nào sẽ nhận lại được chính những điều ấy.

Và đúng như thế, chăm sóc 2 cái cây mỗi ngày giúp tôi có thể rèn luyện và cân bằng cảm xúc, học được tính kiên nhẫn hơn. Cô còn bảo, mỗi lần tôi tức giận hay không hài lòng, tôi hãy đi trộn đất trồng cây để giải tỏa bớt năng lượng tiêu cực.

Từ khi nhận hình phạt là trồng cây, tính tình tôi thay đổi hơn. Tôi bình tĩnh hơn để nhìn nhận lại những vấn đề mình gặp, mở lòng hơn với bạn bè và thầy cô, tự giác thực hiện các nội quy của nhà trường. Đó là điều những người từng tiếp xúc với tôi trước đây chưa bao giờ nghĩ đến.

Giờ đây, đã có gia đình riêng và trở thành bố của các bạn nhỏ, tôi thật sự cảm ơn cô giáo vì ngày ấy đã yêu cầu tôi tưới cây thay vì đuổi học để tôi có cơ hội nhận ra sai lầm, thay đổi trở nên tốt hơn.

Ghi theo lời kể của anh Hoàng Ánh (Hà Nội)

Tranh cãi việc phạt học sinh bằng cách bắt đọc sách

“Đọc một cuốn sách hay giúp các em có sự lắng đọng trong tâm hồn, biết yêu thương nhiều hơn, từ đó giảm bớt những xung đột nơi học đường”, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân khẳng định.

Phạt học sinh bằng đọc sách đạo đức, một hình thức giáo dục văn hoá nhận thức

Nhiều trường học hiện nay kết luật học sinh bằng hình thức đọc sách đạo đức, đây là cách để học sinh mưa dầm thấm lâu, nhận ra lỗi lầm của mình.


Share.
Exit mobile version