Khu công nghiệp này sẽ ưu tiên các loại hình công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ưu tiên thu hút các dự án ít thâm dụng lao động.

Thời điểm mới khởi công, VSIP 3 đã đón nhiều “đại bàng” đến “làm tổ”. Điển hình, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chọn VSIP 3 để đầu tư xây dựng nhà máy với số vốn lên tới 1,3 tỷ USD. Đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này.

Ngoài VSIP 3, các khu công nghiệp khác như Cây Trường, Bàu Bàng mở rộng của Becamex IDC cũng đang đi theo hướng này. Vì là xu hướng chung trên toàn cầu, không đáp ứng được tiêu chuẩn xanh thì rất khó thu hút nhà đầu tư mới. Mình phải xây “tổ xanh” để đón các nhà đầu tư, đón thêm các “đại bàng”. Do đó, thời gian tới các cụm công nghiệp, các khu công nghiệp mới cũng phải chuẩn bị sẵn hạ tầng xanh, hạ tầng số.

Tức là mình chuẩn hoá hết rồi mời doanh nghiệp vào đầu tư. Ở khu công nghiệp có quy hoạch phân khu. Dựa trên quy hoạch đó để xác định những ngành nghề thu hút, chuẩn bị hạ tầng về xử lý nước thải, hạ tầng điện mặt trời, hạ tầng cây xanh, xử lý khói với bụi… Có những quy hoạch phân khu thì chúng ta chọn lọc, thu hút đầu tư dễ dàng hơn rất nhiều.

– Ông vừa nhắc tới sử dụng nguồn điện tái tạo trong các khu công nghiệp?

Đúng rồi. Ở các khu công nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng nguồn điện mặt trời, điện áp mái, điện sinh khối qua xử lý rác… Tỉnh cũng đàm phán với các nhà cung ứng để ưu tiên nguồn điện tái tạo cho các khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh của doanh nghiệp.

Song song với đó, liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Becamex VSIP hình thành một công ty điện lực chuyên về đầu tư khai thác, phân phối hệ thống điện, trong đó có điện mặt trời cung cấp cho các nhà máy để có chứng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.

– Ngoài chuẩn bị hạ tầng xanh, những vấn đề khác thì sao thưa ông?

Bình Dương cũng đang nghiên cứu để thu hút các chuyên gia tư vấn nhằm tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc cấp các chứng chỉ carbon.

Thực tế, các doanh nghiệp vẫn khá mù mờ về chứng chỉ carbon. Doanh nghiệp muốn có được chứng chỉ này thì phải hiểu về các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất xanh. Đội ngũ chuyên gia sẽ hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện trong quá trình sản xuất sao cho đạt chuẩn và được cấp chứng chỉ.

Share.
Exit mobile version