Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết, lĩnh vực nông nghiệp cũng có phát thải lượng khí carbon nhất định vào môi trường. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại hình sản xuất nông nghiệp mà hệ số phát thải khí thải nhà kính khác nhau. 

Với sự cam kết, quyết tâm của Chính phủ, của các cấp chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng vào cuộc đua tới Net zero. 

“Mục tiêu hướng tới là cân bằng lượng carbon giữa hấp thụ và phát thải”, ông Sinh nói. Thực tế, thời gian qua có rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng… đều là hướng sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải khí carbon.

Hiện, tình trạng thâm dụng đầu vào hoá chất nông nghiệp đã giảm, hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất tăng. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt 45,5%; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 59.754 ha, chiếm gần 31,27% tổng diện cây trồng chủ lực của tỉnh. Hơn 1.400 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Có những mô hình cho thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai còn có 200 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng gần 172,5 ngàn ha (rừng tự nhiên và rừng trồng).

“Rừng ở Đồng Nai có đặc điểm giàu cây xanh, độ che phủ cao. Hàng năm, tỉnh chi ngân sách lớn cho bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng”, ông nói và cho biết, với diện tích rừng lớn, sinh khối nhiều, việc tạo ra tín chỉ carbon là tiềm năng để có nguồn thu tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống người trồng rừng và giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa. 

Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp với Công ty Tập đoàn ECOTREE về xây dựng Đề án thí điểm tín chỉ carbon thương mại rừng trồng, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, ông Sinh cho hay.

Đồng Nai quan niệm xanh là xu thế tất yếu. Mọi sự thay đổi có thể khó khăn với người nông dân, HTX cũng như doanh nghiệp nông nghiệp. Nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn khi xu hướng tiêu dùng liên tục biến chuyển. Gieo mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Tương lai, người nông dân không chỉ bán sản phẩm nông sản mà còn bán được cả tín chỉ carbon. 5-10 năm trước, đó là điều viển vông, xa vời. Nhưng bây giờ, điều này trở nên rất thực tế!

Thiết kế: Phạm Luyện

Share.
Exit mobile version