Một ngày tháng 4, Tiến sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bất ngờ khi gặp lại người ông gọi là “cùng chiến tuyến”. Trên tay vị khách hôm đó là món quà vùng cao tặng thầy thuốc trong khoa: xôi nếp nương và gà đồi còn trong lồng.

Vị khách có vẻ mặt khắc khổ, thân hình gầy gò nhưng tác phong nhanh nhẹn là bố đẻ của nam bệnh nhân 35 tuổi từng có 6 tháng điều trị hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barre) tại khoa từ tháng 8/2023 tới tháng 1/2024. Ba tháng sau khi con trai xuất viện, ông mới có điều kiện trở lại thăm các bác sĩ. 

Với bác sĩ Tình (bên phải), quá trình hồi phục của bệnh nhân C. là thành quả của sự kiên trì, tận tâm của thầy thuốc và gia đình. Ảnh: BSCC

Sau một trận ốm, anh H.V.C, 35 tuổi, quê Hòa Bình, làm công nhân tại Hà Nội, sốt cao liên tục, đau đầu, liệt tứ chi rồi suy hô hấp. Anh được đưa vào bệnh viện tuyến Trung ương điều trị thở máy và các biện pháp điều trị chuyên sâu. 

Sau 3 ngày, vì nhà rất nghèo, gia đình xin chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị tiếp, thở máy, chăm sóc toàn diện.

“Trong những ngày đầu anh C. ở khoa, do điều kiện khó khăn, không có bảo hiểm y tế, chi phí quá tốn kém, gia đình nhiều lần xin bác sĩ cho bệnh nhân thôi điều trị, đưa về nhà chuẩn bị lo hậu sự”, bác sĩ Tình nhớ lại.

Nhưng bác sĩ Tình và thầy thuốc tại đây không đành lòng. Bệnh nhân C. tuy liệt cấp tính tứ chi, liệt cơ hô hấp nhưng đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, nghe và hiểu hết mọi thứ. Điều ám ảnh bác sĩ Tình nhất là anh C. “luôn nhìn chúng tôi với đôi mắt mong mỏi và quyết tâm”. Vì thế, mặc cho gia đình thiết tha đưa con về lo hậu sự, các thầy thuốc vẫn miệt mài động viên người nhà, cho bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị.

“Gia đình, bệnh nhân và chúng tôi cùng chiến hào trong cuộc chiến giành giật sự sống”, vị bác sĩ kể lại. Thời điểm đó, bản thân bác sĩ Tình và bệnh viện hỗ trợ, dành những điều kiện tốt nhất và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để bệnh nhân có kinh phí chữa bệnh.

Sau hơn 1 tuần, bệnh nhân có khả năng tự thở (máy thở chỉ hỗ trợ một phần nhất định), 2 tay cử động được và 2 chân cũng đã có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân tỉnh và làm đúng động tác theo hướng dẫn của thầy thuốc.

“Khi đó, tôi vẫn có niềm tin rằng, bệnh nhân C. có thể phục hồi hoàn toàn nếu được điều trị và chăm sóc tích cực”, bác sĩ Tình nói. Sáu tháng tại viện, trước Tết Nguyên đán, anh C. cai máy thở, ra viện.

Bác sĩ Tình nói ông thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ anh C. và gia đình hỏi thăm sức khỏe các thầy thuốc cũng như thông tin chuyên môn. Ba tháng sau khi ra viện, hiện bệnh nhân tự tập luyện để có thể đi lại được.

Đón nhận tấm lòng, tình cảm của người nhà bệnh nhân, bác sĩ Tình và các thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, rất xúc động, nhân lên niềm vui nghề nghiệp. Đó là thành quả khi các y, bác sĩ được tin tưởng và đồng hành trong mục tiêu chiến thắng bệnh tật.

Nhặt được túi đồ có điện thoại, trang sức, bảo vệ bệnh viện tìm cách trả lại

Trong giờ làm việc tại bãi xe bệnh viện, bảo vệ Đỗ Tuấn Việt phát hiện một túi màu trắng bị bỏ quên, kiểm tra trong đó có điện thoại iPhone, đôi khuyên tai, nhẫn, hộ chiếu và căn cước công dân.

Thu hồi trên toàn quốc một sản phẩm phục hồi da hư tổn

Một sản phẩm phục hồi da hư tổn vừa bị Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc do có công thức không đúng như hồ sơ công bố.

Lời nói cuối cùng trước khi hôn mê của nữ bác sĩ trẻ sau tai nạn bất ngờ

Bị tấm kính đổ vào người, nữ bác sĩ trẻ đang công tác tại Bệnh viện K (Hà Nội) chỉ kịp gọi về cho gia đình báo mình sắp hôn mê và nói lời cảm ơn cha mẹ.


Share.
Exit mobile version