Là một giáo viên Hóa học đã nghỉ hưu, bà Yu Youfang lại tiếp tục sự nghiệp đứng lớp ở tuổi 90. Điều đặc biệt là lớp học của bà diễn ra trong căng-tin của một viện dưỡng lão ở miền bắc Trung Quốc. Các bài học thiên về hài kịch, hơn là Hóa học.

Những “học trò” tinh nghịch của bà có độ tuổi trung bình là 75. Trong giờ học, họ thường lần mò thực hiện các thí nghiệm gây ra phản ứng cháy nổ, hoặc giải phóng “khí độc”. Mỗi giờ học thường kết thúc với việc một “học sinh” được khiêng trên cáng hoặc “lơ tơ mơ trên thiên đường” đầy kịch tính. 

Tất nhiên, sự hỗn loạn này đều nằm trong kịch bản.

Cuộc sống trong viện dưỡng lão được hiện lên đầy đủ qua các video, nhằm xóa bỏ những kỳ thị về việc đưa người già vào đây. Ảnh: Sixth Tone

Bà Yu và lớp học của bà là một phần trong loạt phim nổi tiếng có tựa đề “Phim hài tại viện dưỡng lão” đăng tải trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc. Với hơn 200 video, loạt phim này giới thiệu cuộc sống của những người cao tuổi tại Viện Dưỡng lão Jingya ở thành phố Thiên Tân, thu hút hàng triệu người hâm mộ trên mạng xã hội Trung Quốc. 

Ông chủ viện dưỡng lão, Chen Yuan, 53 tuổi, chia sẻ với Sixth Tone rằng loạt video ban đầu chỉ đơn thuần là một hoạt động vui vẻ, tự nguyện dành cho người già, đồng thời là một cách để quảng bá viện dưỡng lão, xóa bỏ những kỳ thị của xã hội về cơ sở chăm sóc dành cho người già.

“Việc gửi cha mẹ lớn tuổi vào viện dưỡng lão từng bị coi là bất hiếu. Nhưng tôi muốn thay đổi nhận thức này. Viện dưỡng lão không đáng sợ như mọi người nghĩ. Ngày nay, người già có thể sống đàng hoàng và hạnh phúc tại các viện dưỡng lão” – ông Chen nói.

Trên mạng xã hội Douyin, Jingya chỉ là một trong hơn 1.000 tài khoản kể về cuộc sống ở các viện dưỡng lão. Các tài khoản đều mong muốn định hình lại nhận thức về việc chăm sóc người cao tuổi, khi Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của nước này, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ 9,4% vào năm 2012 lên 14,9% vào năm 2022. Sự gia tăng như vậy đã khiến chính phủ ưu tiên phát triển “nền kinh tế tóc bạc”, tăng cường nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ cho người già.

Trong bối cảnh thay đổi nhân khẩu học này, số lượng viện dưỡng lão ở Trung Quốc đã tăng đáng kể, từ 30.000 cơ sở vào năm 2018 lên 41.000 cơ sở vào năm 2023, theo Cục Thống kê Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ có 3% người cao tuổi nước này chọn cư trú tại viện dưỡng lão, một phần do sự kỳ thị của xã hội vẫn còn tồn tại.

Thưởng thức bữa trưa tại Viện Dưỡng lão Jingya vào tháng 3/2024. Ảnh: Sixth Tones

Ông Chen tin rằng, các nền tảng video ngắn như Douyin có vai trò rất quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa viện dưỡng lão và thế giới bên ngoài. 

Nhưng đối với Jingya, sự nổi tiếng ngày càng tăng trên mạng xã hội cũng gây ra nhiều tổn thất. Thay vì thu hút thêm nhiều người già đến với mình, 4 “diễn viên” chính trong các bài giảng Hóa học – trong đó có cả cha ông Chen – đã rời đi vào tháng trước.

Cả 4 người đều bị “lôi kéo” sang một viện dưỡng lão lớn hơn ở Thiên Tân, nơi họ đóng vai chính và tạo ra các video Douyin của riêng mình. Điều này nhấn mạnh sự cạnh tranh khốc liệt của ngành chăm sóc người cao tuổi do ảnh hưởng của truyền thông xã hội.

Bất chấp thất bại, ông Chen cho biết sẽ tiếp tục tạo ra các nội dung truyền thông xã hội mới.

Hậu trường

Cứ 1-2 ngày, Viện Dưỡng lão Jingya lại đăng nội dung mới trên Douyin, mỗi nội dung thường thu hút hơn 5.000 lượt “yêu thích”. 

 Các nền tảng video ngắn như Douyin có vai trò rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa viện dưỡng lão và thế giới bên ngoài. Ảnh: Sixth Tone

Mỗi video 1 phút thường mất khoảng 1 giờ để hoàn thành, từ khâu quay phim đến chỉnh sửa. Vì trí nhớ của các “diễn viên” có hạn, nên họ thường không nhớ đầy đủ kịch bản. Do đó, mỗi video sẽ được quay từng câu một.

Mặc dù nhiệt tình là thế, nhưng hầu hết các “diễn viên” đều không sở hữu điện thoại thông minh và gần như không biết đến ứng dụng video ngắn ở Trung Quốc.

“Ban đầu, chúng tôi không hiểu rõ khái niệm quay một đoạn video ngắn. Chúng tôi chỉ làm cho vui thôi”, ông Wang Mingxun, 80 tuổi, nói với Sixth Tone.

Một trong những cư dân đầu tiên của Jingya tình nguyện quay video là ông Wang, một tài xế xe buýt đã nghỉ hưu. Hồi tháng 10/2022, ông chuyển đến Jingya cùng 2 người chị gái lớn tuổi. Họ đoàn tụ gia đình sau 60 năm xa cách.

Không giống như các cư dân khác, ông Wang vẫn còn khỏe mạnh, điều này cho phép ông có một cuộc sống năng động trong viện dưỡng lão. Ông cho biết, mình là người cởi mở và dễ tiếp thu những ý tưởng mới, nhưng ông vẫn đặt ra những nguyên tắc khi quay video.

“Tôi sẽ không quay những nội dung thuần túy hài hước hay thiếu tôn trọng người lớn tuổi, cũng như không quay bất kỳ nội dung nào xúc phạm hay chế giễu người khuyết tật” – ông nói.

Trong các video, ông Wang thường đội chiếc mũ nồi đỏ yêu thích của mình, đóng vai hiệu trưởng trường học, người truyền tải những thông điệp tích cực đến khán giả. Sự tham gia tích cực của ông thậm chí còn truyền cảm hứng cho những cư dân khác, bao gồm 2 chị gái của ông và và bà Wang Li, 63 tuổi – người ban đầu còn ngần ngại xuất hiện trước ống kính.

Bà Wang Li chia sẻ: “Khi người già dần rút lui khỏi xã hội, tầm nhìn của họ tự nhiên trở nên thu hẹp hơn do không thể tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhưng bằng cách quay video cùng nhau, ít nhất chúng tôi có thể học hỏi và mở rộng tầm nhìn của mình một chút”.

Cái giá của sự nổi tiếng

Khi kênh video của Viện Dưỡng lão Jingya tiếp tục phát triển, cộng đồng mạng giờ đây có thể dễ dàng nhận ra các diễn viên không chuyên. Cô giáo Yu và 3 học sinh được đặt tên tiếng Anh là Alice, Bob và Carl, đã trở thành nhân vật được nhiều người trẻ tuổi yêu mến.

 Các “diễn viên” không chuyên rất tích cực tham gia làm video. Ảnh: Sixth Tone

Mặc dù không hoạt động tích cực trên mạng xã hội, nhưng họ biết đến sự nổi tiếng của mình thông qua các bản tin trong nước và việc xuất hiện trên truyền hình quốc gia Trung Quốc.

“Ít nhất thế giới bên ngoài có thể thấy viện dưỡng lão thực sự là như thế nào” – ông Chen Yuan chia sẻ.

Bất chấp lượng truy cập các video tăng đột biến, ông chủ Chen vẫn phản đối việc kiếm tiền từ đây.

“Chúng tôi không biết cách điều hành một doanh nghiệp như vậy. Và chúng tôi không muốn kiếm tiền bằng cách bóc lột người cao tuổi” – ông Chen giải thích, nhấn mạnh cam kết của mình trong việc giữ các video tập trung vào cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi, thay vì chuyển hướng nội dung.

Về việc 4 “diễn viên” chính, bao gồm cả bố ông, đều đã chuyển sang viện dưỡng lão đối thủ, ông Chen Yuan cho biết, việc này khiến mối quan hệ của hai cha con trở nên căng thẳng. “Đôi khi tôi thấy hối hận vì đã mở tài khoản video. Nếu tôi không làm vậy, có lẽ mối quan hệ của chúng tôi đã không đến mức như ngày hôm nay”, ông nói đầy tiếc nuối.

An Đen – cô gái kể chuyện đồng quê trên TikTok hút triệu view

Với sức ảnh hưởng của mình, An Đen đang là cầu nối, nhận hỗ trợ của các mạnh thường quân để nấu những bữa cơm lạ miệng cho trẻ em nghèo ở Tây Nguyên.

9X lập kênh TikTok triệu view giúp lao động nghèo, hỗ trợ gen Z khởi nghiệp

Ngay khi được nhiều người biết đến, Vĩnh dùng kênh TikTok có hơn 1 triệu lượt theo dõi để thực hiện các dự án cộng đồng như: tặng bữa sáng, quần áo cho lao động nghèo, hỗ trợ gen Z khởi nghiệp.

Chàng trai mất 2 tay lập kênh TikTok triệu view, gom tiền giúp mẹ chữa bệnh

9 năm trôi qua, Dương Hữu Phúc vẫn chưa từng quên vụ tai nạn cướp đi đôi tay của mình. Đau khổ tuyệt vọng nhưng vì mẹ, Phúc vực dậy bản thân, sống lại với ước mơ, lập kênh TikTok triệu view, kiếm tiền chữa bệnh giúp mẹ.


Share.
Exit mobile version