15 tuổi vào đại học

Nhà thơ Hải Tử tên thật là Tra Hải Sinh. Ông sinh năm 1964, trong một gia đình nông thôn nghèo ở Hoài Ninh (An Huy, Trung Quốc). 

Cha mẹ ông đều là nông dân, trình độ học vấn thấp. Ngoài việc bận rộn với đồng áng và việc nhà, họ không có công việc nào khác. Tuy nhiên, họ luôn hiểu tầm quan trọng của việc đọc sách nên rất coi trọng việc học tập của con cái.

Từ khi còn nhỏ, Hải Tử đã có năng khiếu đọc. Năm 4 tuổi, Hải Tử tham gia cuộc thi ngâm thơ do xã tổ chức. Bố mẹ phát hiện con trai có tài năng, nên ưu tiên cho con đọc sách và phát triển bản thân.

Lên 5 tuổi, Hải Tử vào học tiểu học, tới 10 tuổi học trung học và được nhận vào Khoa Luật của trường Đại học Bắc Kinh vào năm 15 tuổi.

Nhà thơ Hải Tử được nhiều người gọi là “thần đồng”. Ảnh: 163

Tài năng của Hải Tử nổi tiếng khắp nơi từ đó. Nhiều người ca ngợi Hải Tử như “thần đồng”. Ông không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, mà còn biết cách ứng xử.

Là con cả trong gia đình có 3 anh em trai, khi còn nhỏ, Hải Tử đã nhận trách nhiệm chăm sóc các em của mình. Khi ăn uống, ông luôn để em ăn trước, còn mình chỉ ăn phần thừa, thông tin từ trang 163. Đến ngày mùa bận rộn, Hải Tử luôn chăm chỉ học tập và giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, đồng áng.

Để tiết kiệm tiền cho bố mẹ, lúc đi học, ông mang theo một ít cơm và dưa chua để ăn.

Khi vào đại học, Hải Tử học hành tiến bộ nhanh chóng, bỏ xa các bạn học cùng lứa. Hải Tử yêu thơ, say mê làm thơ. Và dù đang đi học, Hải Tử cũng rất chăm chỉ sáng tác thơ, cho ra nhiều tác phẩm hay. 

Hải Tử là người khá mong manh, nhạy cảm. Ảnh: 163

Ngoài học giỏi, Hải Tử còn là người con rất hiếu thảo. Sau khi tốt nghiệp và đi làm, tháng đầu tiên, Hải Tử nhận được mức lương 90 Nhân dân tệ (hơn 300 nghìn đồng, theo tỷ giá hiện nay). Ông lập tức gửi 60 Nhân dân tệ cho bố mẹ.

Sau đó, ông tiết kiệm được 500 Nhân dân tệ và mua một chiếc tivi đen trắng cho bố mẹ, nhưng bản thân mình lại sống rất tằn tiện, vất vả. Ông cũng là một người khá mong manh, nhạy cảm. 

Người bạn thân nhất của Hải Tử đã nhận xét về ông với những từ ngữ như: Trong sáng, đơn giản, bướng bỉnh, nhạy cảm, đôi khi đắm chìm trong nỗi đau và không thể tự giải thoát. Hải Tử phải gửi tiền về nuôi bố mẹ và em nên cuộc sống khá khó khăn. 

Chuyện tình cảm ảnh hưởng nhiều trong các sáng tác thơ của ông. Ảnh: 163

Rơi vào ngõ cụt

Khi Hải Tử còn học trung học, bố mẹ từng nhắm cho ông một cô gái cùng làng để kết hôn. Năm 1979, khi kết quả tuyển sinh đại học được công bố, cả nhà vui mừng đưa ông vào đại học, đồng nghĩa với việc hôn ước với cô gái kia cũng chấm dứt. 

Một thời gian sau, cô gái cùng làng kết hôn với người khác, Hải Tử ngập tràn cảm xúc và viết hai bài thơ để tưởng nhớ mối tình đó.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học, được bổ nhiệm vào Khoa Giảng dạy và Nghiên cứu Triết học của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc tại Bắc Kinh, ông nảy sinh mối tình với một cô học trò. Cô học trò này thích thơ của Hải Tử và cả hai nhanh chóng yêu đương.

Ông viết rất nhiều bài thơ tặng bạn gái. Nhưng mối tình này không nhận được sự chúc phúc của bố mẹ cô gái. Họ không thích một chàng rể xuất thân từ một gia đình nghèo khó, thu nhập thấp và chỉ cao 1,6m.

Khi cô gái này tốt nghiệp đại học, mối tình của họ nhanh chóng chấm dứt. Đây có thể coi là mối tình đầu của Hải Tử, bởi ông bị ảnh hưởng nhiều, đau khổ và trầm tư sau chia tay.

Sau này, một người phụ nữ hơn Hải Tử 4 tuổi đã bước vào cuộc đời của ông. Người này cũng vì ngưỡng mộ tài năng của Hải Tử mà luôn ở bên chăm sóc người bạn trai của mình.

Sau 1 năm yêu đương, cô gái đến tuổi lấy chồng, còn Hải Tử lại không muốn lập gia đình quá sớm. Vì thế mối quan hệ của cả hai cũng dừng lại. Ông từng trách mình tại sao không thể trao cho người bạn gái lời hứa kết hôn và bày tỏ sự ăn năn sâu sắc trong thơ. 

Về sau, một người phụ nữ cũng là người bạn tâm giao, đồng nghiệp của Hải Tử đã giúp ông vượt qua nỗi buồn chia tay trong tình yêu. Tuy người phụ nữ này đã có gia đình, nhưng Hải Tử lại vô cùng yêu thương. Ông cũng viết một bài thơ nổi tiếng dành tặng người này. 

Vì là mối quan hệ ngoài luồng, nên chuyện tình cảm của họ nhanh chóng kết thúc. Tiếp đó, ông yêu một người phụ nữ hơn mình 11 tuổi, cũng là một thi sĩ. Người này khi đó vừa ly hôn, có nước da ngăm, dáng người đẹp.

Một buổi tối, sau khi uống rượu, ông đến nhà bạn gái chơi. Ông đề nghị được ở lại qua đêm, nhưng bạn gái từ chối. Sau đó, Hải Tử viết một bài thơ về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này. 

Những cuộc tình ấy đã góp phần rất lớn cho thơ của ông, giúp tâm hồn sáng tác thơ bay bổng, ngọt ngào hơn. 

Tuy nhiên, các mối tình của ông đều kết thúc nhanh chóng. Thất bại trong chuyện tình cảm là đòn giáng mạnh vào tâm lý của ông. Trước khi chọn kết liễu cuộc đời, Hải Tử đến gặp người bạn gái đầu tiên cũng là nữ thần trong tâm trí của ông.

Nhưng người đó đã kết hôn và không thích sự xuất hiện của Hải Tử. Ông bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi thái độ của người bạn gái cũ.

Ngoài thất bại về chuyện tình cảm cá nhân, ông còn chịu tổn thất trong quá trình sáng tác. Tại một buổi hội thảo, khi đọc thơ của mình trước công chúng, một đồng nghiệp đã nói đùa: “Hải Tử, cậu cố ý làm cho chúng tôi buồn ngủ à?”.

Một câu đùa tưởng vô hại, nhưng lại khiến tâm hồn nhạy cảm của Hải Tử tổn thương sâu sắc. 

Sau đó, ông cùng một số người bạn cùng lớp đại học gặp nhau để tính chuyện quản lý một tờ báo, nhưng bố ông ngăn cấm vì cho rằng con trai không chuyên tâm vào sự nghiệp. 

Chàng trai trẻ Hải Tử hết lần này đến lần khác bối rối trước ngã rẽ cuộc đời, dần dần mất đi phương hướng. Ông rơi vào trầm cảm, nảy sinh ảo giác, không kiểm soát được ý thức. Ác mộng thường xuyên đeo đuổi ông. Cuối cùng, nhà thơ tài năng đã rơi vào ngõ cụt cuộc đời. 

Tượng nhà thơ Hải Tử. Ảnh: 163

Ngày 26/3/1989, Hải Tử kết thúc cuộc đời mình trên đường ray ở Sơn Hải Quan (Hà Bắc, Trung Quốc). Lúc này, ông mới 25 tuổi.

Ông để lại một bức thư vỏn vẹn 3 câu: “Tôi là giáo viên Khoa Giảng dạy và Nghiên cứu Triết học của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Tôi tên là Tra Hải Sinh. Cái chết của tôi không liên quan đến ai cả”.

Thông tin về cái chết của ông khiến mọi người bàng hoàng. Chỉ 2 ngày trước, ông vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của mình. 

Ngày nay, tại quê hương của ông, người ta đã xây dựng công viên văn hóa Hải Tử. Nơi ở cũ của ông chào đón mọi người đến để tỏ lòng thành kính với nhà thơ.

Từ đứa trẻ từng vỡ xương sọ tới thần đồng toán học thế giới

Sau tai nạn vỡ xương sọ, chàng trai có năng khiếu toán học bẩm sinh đã vượt qua nỗi đau của bệnh tật để lấy lại tư duy hiếm có.

Thần đồng 13 tuổi vào đại học qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh

Thông tin Nguỵ Vĩnh Khang qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh khiến nhiều người tiếc nuối cho thần đồng phương Đông một thời.


Share.
Exit mobile version