Chiều 28/4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp 4 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Nghệ An tổ chức khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và thông xe đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (tỉnh Nghệ An). Lễ khánh thành kết nối trực tuyến hai địa phương Ninh Thuận và Nghệ An.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo tại Ninh Thuận, chiều 28/4. Ảnh: Chí Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và cắt băng khánh thành ở dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo tại điểm cầu Ninh Thuận. Dự sự kiện còn có lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương liên quan. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lễ khánh thành dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và thông xe cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm đón chào các ngày lễ lớn của đất nước.

Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, các địa phương, các ban QLDA, các nhà đầu tư, nhà thầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dành lời cảm ơn đặc biệt đến nhân dân khu vực có dự án đi qua đã nhường “nơi ăn chốn ở, nơi sinh sống ngàn đời, bờ xôi ruộng mật” cho dự án, cho lợi ích quốc gia. Theo Thủ tướng, bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành 2.157km cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các dự án cao tốc trục Đông – Tây, trục Tây Nguyên, trục Tây Nam Bộ… cũng đang được triển khai. Với đà này, vào năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu 3.000 km và đạt 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: Chí Hùng.

Qua thực tiễn triển khai Dự án, Thủ tướng đã chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành. Đó là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; Phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại; Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là khi gặp khó khăn, vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; Chú trọng sự đồng thuận, ủng hộ, vào cuộc của Nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện ống hầm thứ hai tại hầm Núi Vung, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo; đồng thời mở thêm các nút giao hợp lý, hiệu quả. Đối với gần 20 km còn lại của dự án Diễn Châu – Bãi Vọt, các cơ quan liên quan, nhà thầu thi công gấp rút hoàn thành trước ngày 19/5.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bày tỏ, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành, đưa vào hoạt động là “ước mơ ngàn đời” của người dân Ninh Thuận. Cao tốc qua địa phương khoảng 63km là động lực, cú hích quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, tăng năng lực giao thông cho địa phương.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu. Ảnh: Chí Hùng.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc và hạ tầng giao thông cũng làm sáng hơn bức tranh quy hoạch của tỉnh vừa được công bố sáng nay (28/4), có Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, góp phần thực hiện hóa quy hoạch của địa phương.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh gồm Khánh Hoà (5 km), Ninh Thuận (63km) và Bình Thuận (12 km), chủ đầu tư là liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đưa vào hoạt động. Ảnh: Chí Hùng.

Tuyến cao tốc có 4 làn xe, mỗi bên 2 làn, cho phép ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h, tối thiểu 60 km/h. Đây là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP.HCM với Nha Trang, khi cao tốc thông suốt, tuyến giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM ra Nha Trang chỉ còn 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi trên quốc lộ 1.


Share.
Exit mobile version