Thay đổi phương châm tác chiến là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới góc độ nghệ thuật quân sự, thắng lợi đó là sự kế thừa, phát triển kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta lên một tầm cao mới trên cả 3 phương diện: chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Thiếu tướng Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho biết, Bộ Chỉ huy quân sự của Pháp chọn Điện Biên Phủ với ý đồ chiếm giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng nhằm thu hút, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Bộ Chính trị khi đó đã phân tích và kết luận, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng có 2 nhược điểm lớn. 

Hình ảnh quân ta trong chiến dịch được khắc họa lại trên bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Thứ nhất là tính cứng nhắc, thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt và bẻ rời từng cứ điểm để làm suy yếu địch. Thứ hai là tính cô lập của “con nhím Điện Biên Phủ”. Nếu đường không bị cô lập hay cắt đứt nó sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu.

Phân tích đánh giá đúng tình hình, Đảng ta nhận định: Đây là cơ hội đánh lớn để từ đó có thể chấm dứt chiến tranh nên Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo bước ngoặt mới trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

Thiếu tướng Trần Minh Tuấn cho biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã hình thành và phát triển rất nhiều nghệ thuật quân sự đặc sắc, trong đó có chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. Đây là chiến thuật đầu tiên của quân đội ta xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thấy địch phòng ngự thành tập đoàn cứ điểm vững chắc, ta đã thay đổi hình thành phương thức, phương pháp tác chiến mới. 

Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã cân nhắc và rất khó khăn mới đưa ra quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. 

Theo Thiếu tướng Trần Minh Tuấn, nếu thực hiện theo cách đánh thông thường để “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ phải sử dụng hỏa lực bố trí xung quanh tập đoàn cứ điểm của địch, ban đầu tạo ra những thiệt hại nhất định, sau đó thì bộ đội hình thành các thế xung phong, đánh nhanh vào các mục tiêu chủ yếu.

Tuy nhiên, một tập đoàn cứ điểm rất mạnh được hình thành, vì thế không thể vận dụng phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” được mà phải chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” và để thực hiện phương châm đó thì phải bằng phương pháp, cách đánh cụ thể. Đó là “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”.

“Có thể hiểu chiến thuật này là hành động vây chặt xung quanh địch và từng điểm tựa, từng cung điểm tựa, từng khu vực đến vây chặt các cứ điểm của địch, không cho địch thoát ra ngoài. Vòng vây đó được thực hiện bằng việc chiến sĩ trong các đơn vị chiến đấu của ta đào đường hào hàng trăm km khóa chặt địch và hàng ngày siết chặt, dồn chúng lại để chúng ta đánh chắc, tiến chắc từng khu vực, từng điểm cao”, Thiếu tướng Trần Minh Tuấn phân tích. 

Thiếu tướng Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Trong từng giai đoạn của chiến dịch, thực hiện những chiến thuật nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn, đem lại hiệu quả cao như phong trào “săn Tây bắn tỉa” được phát động mạnh mẽ, đồng thời đánh liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm với nhiều hình thức như đánh tập kích, đoạt dù tiếp tế… đã tiêu hao một phần lực lượng địch và làm nhiều tên khác sợ sệt, giảm sút sức chiến đấu.

Thiếu tướng Trần Minh Tuấn cho biết, chiến thuật này đã gây bất ngờ cho người Pháp, bởi từ trước đến nay chưa có một nước nào trên thế giới sử dụng. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ quân đội ta cũng chưa có chiến thuật này. Chiến thuật này hình thành trong quá trình thực tế đó là sự sáng tạo của quân ta, sáng tạo từ người chỉ huy – tổng tư lệnh đến thực hiện nhiệm vụ của từng chiến sĩ, từng đơn vị. 

Chiến thuật đó sau này rất có giá trị đối với quân đội ta, cụ thể là trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968 có những nét tương đồng. 

Đứng về nghệ thuật chiến dịch cũng như về chiến thuật, có thể nói rằng với trận Điện Biên Phủ, quân đội ta đã thực hiện một bước nhảy vọt về chất. 

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho biết, từ chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” về sau còn được nghiên cứu, phát triển thành các hình thức chiến thuật mới của quân đội ta. 

Tái hiện ‘binh chủng’ xe đạp thồ Điện Biên Phủ huyền thoại

45 chiến sĩ Quân khu 1 tái hiện sinh động hình ảnh dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Dũng sĩ Đồi Xanh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ

Đại tá Đặng Đức Song – người chiến sĩ Điện Biên năm xưa xúc động khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trên mặt trận đúng vào ngày 7/5/1954.

Lựa chọn cách đánh là sáng tạo then chốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thắng lợi lịch sử năm 1954 bằng đòn quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nghệ thuật chiến dịch đóng vai trò quan trọng.


Share.
Exit mobile version