– Ông vừa nhắc đến câu chuyện khách hàng ngày càng quan tâm đến tiêu chí giảm phát thải. Hiện nay, nhiều thị trường đã áp “tiêu chuẩn xanh”. Là doanh nghiệp sản xuất, NOK có gặp áp lực với đơn hàng xanh? 

Như tôi đã nói bây giờ chuyển đổi sang sản xuất xanh là bắt buộc. Nếu không chuyển đổi hoặc chuyển đổi trễ một nhịp thì mình mất nhiều cơ hội. Bởi, tới đây khách hàng yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Chúng ta không chuẩn bị trước thì sản phẩm không cạnh tranh được với những doanh nghiệp khác, trở thành hàng lỗi thời. 

Thậm chí, bây giờ trong đàm phán thương mại, “sản xuất xanh” trở thành tiêu chí số 1 để khách hàng đánh giá, xem xét ký hợp đồng mua bán hàng hoá, điều mà trước kia không có. Song, đây cũng là một phần trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp phải thực hiện.

Do đó, để đẩy mạnh chuyển đổi đáp ứng yêu cầu của khách hàng và thị trường, NOK còn phân công phòng hành chính quản lý về mặt khí thải CO2. Phòng này có nhiệm vụ điều phối và kết nối với tất cả các phòng, ban khác triển khai chỉ thị của tổng giám đốc và kế hoạch của công ty về sản xuất xanh.

Ngay chính bản thân tôi và 4-5 đồng nghiệp khác ở công ty cũng trực tiếp đi học một khoá đào tạo tại Hà Nội về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong phát thải ròng carbon, các tính toán sao cho chính xác nhất. Vì không học, làm sao biết sản xuất xanh sẽ như thế nào, lượng phát thải ra sao? Phải đi học mới biết, mới làm được chuẩn, mới có báo cáo, kế hoạch chính xác và minh bạch.

Tôi nghĩ, nếu muốn chuyển sang con đường sản xuất xanh, ông chủ doanh nghiệp khác cũng phải đi học. Doanh nghiệp phải cử người tham gia những lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, cách tính toán làm sao giảm lượng phát thải… Đây là những kiến thức cơ bản mà mọi người cần phải nắm và thực hiện.

Doanh nghiệp phải chủ động đi trước, không đợi chính quyền địa phương hỗ trợ những điều này. Có như vậy chúng ta mới bắt kịp được xu hướng chung trên thế giới hiện nay.

Share.
Exit mobile version