Chị nhớ lại một chuyên án mà Trung tâm Giám định Sinh học đã có công lớn trong việc giải mã và xác định hung thủ.

Đó là những năm đầu tiên khi Viện Khoa học hình sự vừa triển khai công nghệ ADN và cũng là đơn vị duy nhất trên cả nước làm được việc truy nguyên đến từng cá thể qua dấu vết của hung thủ để lại. 

Suốt mấy năm liền, đơn vị của chị nhận được những đề nghị trưng cầu mẫu máu, mẫu da, tinh dịch để lại trên quần lót phụ nữ… từ cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương – nơi xảy ra hàng loạt vụ cướp của, hiếp dâm trên địa bàn nhiều huyện. 

Hung thủ lợi dụng trời tối, vắng người tại các đoạn đường mòn trong khu rừng cao su để rình rập nạn nhân nữ đi một mình rồi lao ra khống chế, đưa vào khu vực vắng giở trò đồi bại, cướp tài sản. Hung thủ tỏ ra rất táo tợn, liên tiếp gây án dù biết cơ quan điều tra đang truy lùng gắt gao.

“Khi các mẫu tinh dịch, mẫu máu, da… được gửi tới, chúng tôi xét nghiệm, cho ra kết quả. Chi tiết bất ngờ là một số mẫu được xác định là của cùng 1 người. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn không truy tìm được đối tượng đó là ai. 

Suốt 2 – 3 năm trời, họ gửi tới Viện hàng loạt mẫu để giám định nhưng vẫn không xác định được hung thủ. Trong số các vụ việc đó, một nạn nhân đã cắn đứt một mẩu tai của đối tượng. Sau khi xét nghiệm mẩu tai thu được, chúng tôi thấy đây chính là kẻ đã thực hiện một loạt vụ hiếp dâm trước đó”, Đại tá Thủy nhớ lại.

Cơ quan điều tra đã đưa 19 người vào diện nghi vấn, trong đó có một người bị mất một mẩu tai. Kết quả xét nghiệm cho thấy không ai có gen trùng khớp với kiểu gen lấy được từ tinh trùng và những mẫu khác của kẻ gây án để lại trên người nạn nhân. Nhưng phức tạp hơn là lúc này, người bị mất một mẩu tai lại khăng khăng nhận mình là thủ phạm trong khi kết quả ADN lại nói không phải. 

Không lâu sau, lực lượng điều tra phát hiện một đối tượng khác lang thang trong khu vực, không có giấy tờ tùy nhân. Điều đáng chú ý là người này bị sứt một góc tai. Tại cơ quan công an, người này lúc thì khai sứt tai do tai nạn lao động, lúc thì bị tiếp viên bia ôm cắn. Sau khi rà soát, công an đã lật tẩy được sự gian dối của đối tượng. 

Tuy nhiên, đối tượng vẫn một mực không thừa nhận về sự liên quan của mình với bất cứ vụ án cướp tài sản, hiếp dâm nào. Trước tình thế này, công tác giám định ADN lại một lần nữa ra tay. 

Bản kết luận giám định ngày 6/4/2005 cho thấy, ADN từ mẫu tóc của đối tượng so sánh với kiểu gen của mẩu tai trong vụ án là hoàn toàn trùng khớp. Điều này đồng nghĩa với việc đây chính là hung thủ của hàng loạt vụ án ở rừng cao su. Và mãi sau này, kẻ sứt tai nhận tội ban đầu mới khai là đã nhận bừa vì bất mãn và chán đời.

Kết quả khiến cả nhóm thở phào vì cuối cùng chuyên án cũng kết thúc và thủ phạm bị vạch mặt. “Đó là thời khắc mà chúng tôi không bao giờ quên” – Đại tá Thủy nói.

Đại tá Thuỷ cũng nhớ lại một vụ án khác ở Hưng Yên với những tình tiết gần tương tự. Hàng loạt vụ hiếp dâm xảy ra mà không xác định được thủ phạm. Đến khi cơ quan điều tra bắt được thủ phạm của một vụ trộm cắp, mang mẫu máu đi giám định thì mới phát hiện ra kẻ này chính là hung thủ của hàng loạt vụ hiếp dâm. 

“Đó là 2 vụ án điển hình cho thấy công tác giám định Sinh học hỗ trợ rất lớn cho việc phá án của cơ quan điều tra. Ngoài ra, dấu vết ADN còn giúp truy tìm tung tích nạn nhân, truy nguyên cá thể và xác định được mối quan hệ huyết thống – đều là những chứng cứ quan trọng trong điều tra phá án”.

Share.
Exit mobile version