Ghi nhận của PV. VietNamNet, từ giữa tháng 3, nhiều doanh nghiệp tại huyện Trảng Bom và TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã treo băng rôn tuyển dụng lao động ngay trước cổng khu công nghiệp (KCN) và trên các tuyến đường lớn.

Trên đó ghi rõ danh tính công ty, số lượng cần tuyển, vị trí tuyển dụng, mức lương và chế độ đãi ngộ.

Tại KCN Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa), Công ty Fashion Garments Chi nhánh Biên Hòa – chuyên sản xuất may mặc đồ xuất khẩu – thông báo tuyển 500 lao động, gồm công nhân may và đào tạo may, với mức lương trung bình khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Để thu hút lao động, doanh nghiệp thông báo nhận hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp hàng ngày tại cổng công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có chính sách nội bộ khi giới thiệu người mới.

Mặc dù quy trình tuyển dụng đơn giản, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhân sự mới nhưng vẫn ít người tới nộp hồ sơ.

Tương tự, Công ty TNHH Saitex International (KCN Amata, TP. Biên Hòa) – doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo jean cao cấp xuất khẩu – cũng treo băng rôn thông báo tuyển dụng cho 3 nhà máy đóng trên địa bàn, gồm các bộ phận may như: in thêu, cắt rập, kiểm hàng, đóng gói, kho…

Doanh nghiệp cũng cho người kê bàn ra đường, phía trước nhà máy, để trực tiếp tuyển dụng và phỏng vấn. Nếu đạt yêu cầu, công nhân sẽ được nhận vào làm ngay với mức thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và năng lực. Công ty còn hỗ trợ thêm 3 triệu đồng trong 3 tháng đầu, như: phụ cấp xăng xe, lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi, thưởng năng suất,…

Người lao động nộp hồ sơ trực tiếp tại cổng Công ty Saitex ở KCN Amata. Ảnh: Hoàng Anh

Một doanh nghiệp khác chuyên gia công giày thể thao nổi tiếng là Công ty TNHH Cibao (KCN Suối Tre, TP. Long Khánh) cũng có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động, như lao động phổ thông, công nhân sản xuất, nhân viên văn phòng, cán bộ quản lý,… với tổng thu nhập từ 8,5 triệu đồng/tháng trở lên và có hỗ trợ xe đưa rước cho công nhân ở xa.

Một nhân sự tuyển dụng tại Cibao cho hay, cần tuyển nhiều nhất là vị trí lao động phổ thông. Tuy nhiên, từ Tết đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng, mỗi ngày chỉ nhận được vài chục hồ sơ xin việc.

Đang xem bảng thông báo tuyển dụng tại cổng KCN Amata, chị Lê Thị Lan ( 30 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa) nói, do không có tay nghề và mới vào Đồng Nai nên chị phải tìm hiểu doanh nghiệp nào hợp với năng lực để nộp hồ sơ.

“Lao động phổ thông cũng nhiều công ty tuyển dụng. Tôi định xin vào một công ty may trong KCN Amata vì thấy mức lương cũng đủ sống, có nhiều phụ cấp hỗ trợ công nhân”, chị Lan chia sẻ.

Chị Lan (áo hồng) xem bảng thông tin tuyển dụng tại KCN Amata (TP. Biên Hòa). Ảnh: Hoàng Anh

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng hơn 27.000 người. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là: may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, vận tải,…

Tuy nhiên, địa phương đang đối mặt bài toán khó là sự không phù hợp giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn nhân lực đang thất nghiệp, dẫn đến thực trạng một số người vẫn thất nghiệp trong khi có nhiều vị trí việc làm trống do không phù hợp về kỹ năng hoặc địa điểm làm việc,…

Việc các doanh nghiệp tràn cả “xuống đường” tuyển dụng lao động là giải pháp tình thế cho bài toán thiếu hụt lao động, giúp nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp. Thế nhưng, để thu hút và giữ chân người lao động, điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm là cải thiện môi trường làm việc và có chế độ đãi ngộ tốt.


Share.
Exit mobile version